Cám ơn mùa Thu

(Trường Hiền)- Mùa thu - Cái nắm tay đầu tiên dưới vòm cây vàng lá, ánh mắt lặng nhìn nhau đắm say trong nắng chiều hoàng hôn... Và yêu... Và thương...


Để rồi ...

Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày hai đứa mình gặp và yêu nhau, giờ đây chỉ còn hơn một tháng nữa mình sẽ làm đám cưới. Anh thấy ánh mắt hạnh phúc và nụ cười xinh tươi luôn rạng ngời trên khuôn mặt em những lúc cùng anh đi sắm đồ, và cả khi em ngủ nữa!

Em thường bảo: “Mình gặp và yêu nhau vào mùa Thu, sẽ phải trải qua mùa Đông giá lạnh để đón chờ một mùa Xuân tươi tắn, ấm áp và hạnh phúc, rồi có ngày nắng Hạ oi nồng... đó là tình yêu của em và anh”.

Sáu năm rồi, những mùa yêu nhau cũng nhiều khác lạ. Đã yêu, đã thương, đã có những lúc ghen tuông, giận hờn đến nỗi em phải khóc, nước mắt em cứ ngấn nhòe là lòng anh thương lắm. Và biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn xen lẫn trong cuộc sống còn nhiều vất vả, bận rộn của anh và em. Nhưng những gì mà hôm nay anh nhận được là một tình yêu thiết tha, nồng ấm đến sâu sắc và mãnh liệt.

Gần một tháng trước mình đi đặt nhẫn cưới, chọn được kiểu nhẫn và chữ khắc trên nhẫn rồi nhưng ngón tay em trắng và mập như ngón tay của một em bé khiến nhẫn đeo không vừa. Thế là em phụng phịu, cái miệng dễ thương và khuôn mặt buồn so vì phải đặt để họ nhập hàng về, mất gần một tháng nữa mới lấy được.

Cùng anh đến các studio ảnh viện, em cứ say sưa ngắm nhìn những kiểu váy cưới, kiểu tóc và cả những tấm hình mà ánh mắt long lanh. Em thử một bộ váy rắng muốt thật đẹp và lộng lẫy, em sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất. Anh ngồi ngắm em và ao ước cho thời gian trôi thật chậm.

Sẽ chỉ còn hơn một tháng nữa thôi, hôn lễ của chúng mình sẽ được tổ chức. Còn bao nhiêu công việc đang bộn bề, và em thì cứ đắm mình trong những cái bộn bề ấy, lúc nào cũng mỉm cười thật tươi vì hạnh phúc.

Anh thầm cảm ơn mùa thu - dẫu hiu quạnh nhưng một ngày tươi sáng đã mang em đến cho riêng anh, để rồi từ đây cả hai đứa mình cùng xây đắp cho nhau những niềm vui và hạnh phúc. Chúng mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ ấm cúng với tiếng vui cười của những đứa con mà em sẽ sinh cho anh. Những đứa bé thật đẹp giống như em, như anh, như tình yêu lãng mạn và say đắm của chúng mình.

Nguyện yêu và thương em mãi mãi!

Đọc tiếp
Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010
1 comment
Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010
0 nhận xét
Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010
0 nhận xét

0 nhận xét

Chữa bệnh táo bón cho trẻ

(Trường Hiền)- Táo bón là một vấn đề rất phổ biến và gây khó chịu ở trẻ em. Nguyên nhân gây ra bệnh táo bón thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng cũng như các hoạt động ngoài trời của bé. Hãy giúp bé tránh những hậu quả mà chứng táo bón gây ra bằng cách áp dụng những biện pháp sau.


Tăng chất lỏng

Tăng cường sự hấp thụ nước vào cơ thể. Tránh uống nước có chất café hoặc có đường như soda. Hãy để trẻ uống nước thật nhiều mỗi ngày. Nước ép trái cây nguyên chất cũng là liều thuốc tốt như nước táo, nước nho, nước sầu riêng… Tốt nhất, bạn nên cho trẻ uống nước ép trái cây ấm chứ không để lạnh.

Tăng chất xơ

Những thức ăn có nhiều chất xơ giúp trẻ tiêu hóa nhanh và đi vệ sinh một cách dễ dàng. Thức ăn dạng sợi bao gồm những trái cây tươi và khô, rau, đậu, củ quả, bột mỳ chưa qua chế biến. Bắp rang bơ, nho, táo.. cũng giúp trẻ giải quyết bệnh táo bón khó chịu này. Ngoài ra, hãy cho trẻ ăn nhiều rau, đặc biệt là canh từ các loại rau xanh.

Giảm thực phẩm gây táo bón

Hạn chế cho trẻ ăn những chất béo bão hòa và dầu. Khi trẻ bị táo bón, tránh cho trẻ uống sữa bò. Uống quá nhiều sữa cũng là nguyên nhân gây ra táo bón. Thay vì uống sữa bò, bạn hãy cho trẻ uống sữa đậu nành.

Hoạt động thân thể
Các hoạt động thân thể ít nhiều góp phần ngăn chặn táo bón ở trẻ. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, đối với những người ít hoạt động ngoài trời, tập luyện thể thao, nguy cơ táo bón là rất cao. Hãy tập cho trẻ thói quen tập thể dục buổi sáng, vận động nhẹ như đi lại, đi dạo, hay chỉ đơn giản là không sử dụng quá nhiều thời gian trước máy tính và tivi.

Đọc tiếp

Mẹ không thích đùi gà

(Trường Hiền)- Mỗi lần thịt gà, mẹ thường dành ăn phần đầu, chân, cổ, cánh rồi cả phao câu. Đùi, mẹ không ăn, vì “nạc, giắt răng lắm”.

Như một thói quen, khi đĩa thịt gà chặt khúc được rắc lá chanh thái chỉ xanh ươm rồi bày lên mâm, bố gảy đũa gắp miếng lườn, em út chọn chỗ cánh sát nách gà thơm ngon, con thích chỗ lườn, vừa vừa thịt, còn mẹ nhận gặm đầu gà.

Bố, con, em út căm thù hai chỗ của con gà, đầu và cánh, toàn xương xẩu cứng nhắc, ăn ăn, mút mút mãi chỉ được chút da, mút cái đầu thì may mắn được cái óc. Ba bố con cũng chẳng bao giờ đụng đũa đến phao câu vì cho rằng nó mất vệ sinh dù được mẹ làm rất kỹ. Hễ miếng nào mấy bố con chê là mẹ ăn nhiệt tình, còn tấm tắc khen ngon. Vì thế, khi vớ được cái cổ, cái đầu hay phao câu, bố con tự động gắp vào bát mẹ.

Tại mẹ thích đầu, cổ gà nên suốt 20 năm trời, mẹ còn ấm ức. Hôm ấy, nhà bác Hóp hàng xóm có cỗ nên mang cho cả nhà một nửa con gà đã luộc. Mẹ xếp thịt ra đĩa, hối hả đi làm, không quên dặn hai chị em đến bữa trưa thì cơm nước trước rồi đi học và phần thức ăn, đậy lồng bàn cho mẹ. Bố là bộ đôi, công tác tận miền Nam. Cả tuổi thơ, con chẳng quen với bố. Mỗi lần về bố được nghỉ phép, con ôm búp bê mà bố mua cho, ngồi co ro ở hiên nhà, mẹ gọi cũng không vào.

Bây giờ, thỉnh thoảng, mẹ vẫn nhắc lại sự kiện ngày xưa ấy: “Trưa đi làm về, bụng đói, mở lồng bàn thì thấy hai đứa phần một bát cổ, cánh, chân gà mà ứa nước mắt. Tối về hỏi thì nó ngơ ngác trả lời: Mẹ bảo thích ăn đầu gà mà”.

20 năm sau, mẹ vẫn nói thích khi được ăn cổ, cánh gà, kèm theo vài miếng thân gà ngon ngon, chứ tuyệt nhiên không đụng đến đùi gà. Chị em con giờ đã lớn, không tranh gặm đùi gà nguyên chiếc mà đồng ý để chặt đùi thành 3 khúc ngang. Chọn một khúc đùi bằng hai ngón tay đặt vào bát mẹ mà mẹ vẫn chối: “Nhiều nạc lắm, giắt răng”. Sau đó, mẹ đẩy miếng đùi vào bát của em út hoặc của con.

Phần đùi đúng là nhiều nạc thật nhưng lại ít giắt răng vì nạc ở chỗ đó là những thớ mịn, ngọt và mềm. Chỉ cần khéo dùng tay bóc thịt nạc dọc theo đùi, mẹ sẽ có những sợi thịt ngon ngọt và tơi. So với phần nạc ở sườn hay cánh gà thì rõ ràng, nạc chỗ đùi gà ngon nhất.

Con đã đủ lớn để suy luận mẹ bảo “đùi gà nhiều nạc, giắt răng” là không đúng. Con cũng đủ khôn để không phần mẹ toàn cổ, cánh dù mẹ một mực bảo thích. Con biết chọn những miếng ngon để phần mẹ dù rằng cuối cùng, mẹ lại để phần miếng ngon trong tủ lạnh, cho bữa cơm ngày hôm sau hoặc cho em út ăn với mỳ tôm vào bữa chiều, trước giờ đi học tối.

Mẹ không thích đùi gà vì một con gà chỉ có hai cái đùi, đủ cho hai đứa con. Giống mẹ, bố cũng chẳng ưa đùi gà. Con đã từng ước trở thành “kỹ sư gà” để lai ra giống gà 4 chân, đủ cho mỗi người trong gia đình ta 1 cái đùi. Nhưng con lại học kém môn Sinh, nên ước mơ chỉ là mơ hão.

Thế rồi con nghĩ rằng, cho dù có gà 4 hay 8 chân đi nữa , mẹ cũng không thích đùi gà vì chắc chắn, mẹ sẽ nhường lại cho các con. Tình yêu và sự hy sinh của mẹ sẽ chẳng bao giờ đổi thay.

Đọc tiếp

Cô gái Mùa Thu

(Trường Hiền)- Cô gái của tôi cũng như cái nắng đầu thu khi vẫn vương vấn cái không khí mùa hạ, cái nắng tưởng như dịu dàng nhưng chói chang đã đốt cháy da tôi những ngày rong ruổi dưới cái nắng thu tháng 8...


Một cô gái sinh ra trong mùa thu, mang cái tên rất thu và có một tính cách đặc trưng của mùa thu. Người ta nói cái tên của một người luôn luôn theo một cách huyền bí nào đó thể hiện rất rõ cái hồn của người ấy, cô gái ấy cũng thế, chỉ riêng những cái tên của cô ấy thôi cũng đã khiến tư tưởng tôi vẽ lên một bức tranh giản dị, chất phác nhưng yên vui, đầm ấm và mọi người đều yêu thương lẫn nhau, cho dù theo một kiểu rất kỳ cục.

Nghĩ về cái tên của cô gái ấy, tôi chỉ có thể nghĩ ngay đến một vùng quê ven Hà Nội nơi có những đồng lúa chín vàng, trồng dọc hai bên bờ sông, có gió thổi mát lộng, một không gian to lớn, nước chảy lững lờ, mây trôi chậm rãi. Cả cái không gian hùng vĩ nhưng giản dị và bình yên ấy được đặt trong nền tranh với màu xanh nhạt của trời, mầu nâu vàng của dòng sông chứa đầy tôm cá lẫn phù sa, có màu vàng rộm của lúa, có màu nâu đỏ của đất, màu xanh non mươn mướt của tre, của cỏ và có màu trắng của tôi.

Thật kì cục khi giữa cái không gian đầy màu sắc ấy, tôi lại muốn được mặc toàn màu trắng, có lẽ để tôi không bị cái không gian ấy hút mất, có lẽ để tôi được thỏa chí lăn lộn trong không gian ấy rồi màu trắng tôi mặc sẽ được quyện với màu nâu đỏ của đất, màu vàng của lúa, màu xanh của cỏ và để tôi được là một phần trong bức tranh chứa đựng cái khối yên bình hoàn hảo ấy.
Tôi nghĩ đến cô ấy, tôi ngửi thấy mùi sen thơm, mùi tre mát, mùi nồng nồng của cỏ mới cắt và mùi ngai ngái của đất sau cơn mưa. Rồi tôi ngửi thấy mùi Cốm xào đường mà bà tôi hay làm, bà thương chị em tôi, bà thương mẹ tôi, bà thương hết. Bà đã 80 tuổi hơn rồi nhưng vẫn hàng tuần đi chợ chọn mua Cốm thơm Cốm dẻo về hì hà hì hụi xào xào quấy quấy để làm thành đĩa quà vặt đậm chất Hà Nội xưa chứa đầy tình yêu thương gửi đến người con gái đã quá cố và cho đứa cháu tha phương, yêu bà nhưng một năm chỉ về thăm bà được nhiều nhất là hai lần. Hà Nội, món ăn quà vặt của bà tôi và tên của cô ấy, ba điều tưởng chừng chả liên quan đến nhau, nhưng đến khi chúng kết lại thành một mối thì mắt tôi dần mờ đi theo làn nước.

Hà Nội thu đẹp thật, Hà Nội thu dịu dàng thật, đấy là người ta nói, còn với tôi thu Hà Nội cũng gai góc không kém các mùa khác, giống như cô gái của tôi, cả một khối cuồng nhiệt lèn ép trong một thân thể nhỏ bé với vẻ bên ngoài: đẹp, hiền hòa và yên ả. Cô gái của tôi cũng như cái nắng đầu thu khi vẫn vương vấn cái không khí mùa hạ, cái nắng tưởng như dịu dàng nhưng chói chang đã đốt cháy da tôi những ngày rong ruổi dưới cái nắng thu tháng 8. Và không có gió. Nhưng phải thành thật với lòng mình rằng đó là cái nắng chói chang rất dễ chịu.

Cô gái của tôi cũng hiền hòa đáng yêu như cái không khí thu tháng 9, nắng vàng và gió mát khiến con người tôi lúc nào cũng phơi phới, chỉ muốn yêu, muốn yêu lắm, muốn yêu để tặng hết những điều lãng mạn thầm kín đã được lên kế hoạch sẵn ở trong đầu và chỉ để dành riêng cho người mình yêu. Chỉ để dành cho người mình yêu lắm, vì đó là một cảm giác rất dễ chịu.

Cô gái của tôi cũng như gió thu giao mùa khi đông chớm đến, không mát mẻ cũng chẳng hẳn lạnh lẽo, nó se se lành lạnh và khiến mọi người lúc nào cũng bận rộn với suy nghĩ “thế nào đây nhỉ, mặc một áo sẽ lạnh nhưng mặc hai áo sẽ nóng”. Cái suy nghĩ ấy nó không thể khiến người ta tức giận đùng đùng nhưng lúc nào cũng vương trong người ta một sự băn khoăn liệu mình làm thế này hay mình nên làm thế kia, vô cùng băn khoăn nhưng không thể có lời giải đáp, chỉ có thể ra đường và để bản thân trải nghiệm xem nó sẽ nóng hay lạnh mà thôi.

Nhưng phải nói thật với lòng mình rằng cái sự băn khoăn ấy cũng rất dễ chịu vì nó bắt nguồn từ cái tính cách rất đáng yêu của mùa thu, giống như con gái Hà Nội, thu Hà Nội cũng nhõng nhẽo lắm cơ, khổ lắm thay cho những lãng tử đã trót đem lòng yêu mùa thu Hà Nội, đấy là người ta nói thế, còn với những lãng tử ấy, có chắc đã là khổ hay không?
Nhắc đến mùa thu, người ta chỉ yêu mùa thu đẹp lắm có nắng dịu, gió mát, lá vàng, mùi hoa sữa và những câu chuyện tình yêu. Còn tôi, tôi cũng yêu những điều ấy vậy, nhưng tôi cũng yêu cả mùa thu gắt cuối hạ và mùa thu trầm đầu đông, vì với tôi mùa thu chỉ đẹp khi nó có đầy đủ mọi sắc thái của nó, phải hanh, phải lạnh, phải khó chịu, phải ảm đạm thì tôi mới có thể biết yêu và trân trọng mùa thu khi nó hiền hòa dịu dàng nhất, thu tháng 9, mùa Cốm xanh, mùa hoa sữa và mùa để bắt đầu một tình yêu.

Đọc tiếp